1. Tổng quan về ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ, với ước tính khoảng 604.127 ca mới năm 2020, chiếm 6,5% tổng số ca ung thư ở phụ nữ trên toàn thế giới, và là một ba bệnh ung thư hàng đầu ở phụ nữ < 45 tuổi tại 145 quốc gia trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, ung thư CTC là một trong 5 ung thư thường gặp ở nữ. Ước tính năm 2010 có 5.664 ca mới mắc và hơn 3.000 ca tử vong do ung thư CTC; năm 2020 khoảng 4.132 ca mắc mới, với hơn 2.223 trường hợp tử vong.
Theo GLOBOCAN (Global cancer observatory) 2020 (một dự án của cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế IARC), tỷ lệ mắc mới ung thư cổ tử cung ở Việt Nam năm 2020 là 6,6 trên 100.000 phụ nữ, chiếm 2,3 % tỷ lệ ung thư chung. Tỷ lệ tử vong là 3,4 trên 100.000 người.
Carcinôm tế bào gai (SCC) là kiểu mô học phổ biến nhất, chiếm khoảng 80 đến 90%, còn lại 10 đến 20% ung thư cổ tử cung là carcinôm tuyến
2. Các yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung
a. Human papiloma virus (HPV):
- Trong các yếu tố vi sinh, ký sinh như nhiễm Trichomonas, nhiễm Herpes Simplex II... v.v. thì nhiễm HPV (Human Papilloma Virus) là yếu tố nguy cơ cao nhất, có thể coi là thủ phạm chính gây ung thư CTC.
- Nhiễm HPV là bệnh nhiễm virus thường gặp nhất của cơ quan sinh dục, cho tới nay đã xác định được hơn 200 tuýp HPV. Các tuýp có nguy cơ cao sinh ung thư là 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58...trong đó 2 tuýp nguy hiểm là 16 và 18 liên quan đến 70% các trường hợp ung thư CTC. Loại nguy cơ thấp thường không sinh ung thư như tuýp 6, 11, 42, 43, 44....Tuy hiếm khi gây ung thư nhưng các tuýp 6, 11 có thể gây ra 10% các tổn thương trong biểu mô độ thấp CTC, có đến 89% các trường hợp UTBMT CTC liên quan đến HPV, trong đó có 54% trường hợp liên quan đến HPV tuýp 18.
- HPV có thể lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp giữa da với da, da với niêm mạc và niêm mạc với nhau. Sự lây truyền có liên quan đến quan hệ tình dục, cả đường âm đạo và đường hậu môn. Ngoài ra, lây truyền cũng có thể xảy ra sau hoạt động tình dục không xâm nhập như quan hệ tình dục bằng miệng - bộ phận sinh dục. Ít phổ biến hơn là HPV có thể truyền dọc từ mẹ sang trẻ sơ sinh trong khi sinh
b. Yếu tố liên quan đến tình dục:
- Quan hệ tình dục sớm trước 18 tuổi làm tăng nguy cơ ung thư CTC. Người ta cho rằng các tế bào biểu mô đường sinh dục chưa trưởng thành ở người trẻ nhạy cảm với HPV hơn và nguy cơ bị các tổn thương tiền ung thư cao hơn.
- Quan hệ tình dục với nhiều người hoặc bạn tình quan hệ tình dục với nhiều người. Nguy cơ nhiễm HPV và các yếu tố tán trợ khác cùng các tổn thương đường sinh dục tăng lên theo số bạn tình.
c. Các yếu tố khác:
- Sinh đẻ nhiều lần
- Thiếu chăm sóc vệ sinh sau giao hợp, vệ sinh cá nhân và sinh dục kém
- Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục gây viêm nhiễm bộ phận sinh dục.
- Suy giảm miễn dịch: Có khá nhiều phụ nữ nhiễm HPV nhưng không bị ung thư CTC, người ta cho rằng do các phụ nữ này có hệ miễn dịch tốt. Nhiễm HPV đi kèm với suy giảm miễn dịch sẽ làm nguy cơ ung thư CTCtăng lên.
- Tầng lớp xã hội - kinh tế thấp: kém hiểu biết, cuộc sống nghèo đói có thu nhập thấp, không được chăm lo về y tế như khám phụ khoa định kỳ sẽ làm tăng nguy cơ ung thư CTC.
- Các yếu tố khác cũng góp phần làm tăng nguy cơ ung thư CTC như hút thuốc. Các yếu tố tán trợ bao gồm thiếu Vitamin A, C, uống thuốc ngừa thai kéo dài phần nào làm tăng nguy cơ nhưng chưa chắc chắn bởi có các yếu tố nguy cơ khác đi kèm.
3. Các dấu hiêu ung thử cổ tử cung không thể bỏ qua
a. Xuất huyết âm đạo bất thường
Chảy máu âm đạo bất thường là chảy máu âm đạo ở những ngày không phải chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, mức độ xuất huyết ở âm đạo có thể khác nhau với mỗi người phụ nữ, điểm chung là tất cả đều không rõ nguyên nhân tại sao có hiện tượng ra máu.
b. Dịch âm đạo tiết ra bất thường
Trong trường hợp dịch âm đạo tiết ra nhiều bất thường, màu sắc lạ (màu vàng, xanh như mủ hoặc lẫn máu) và có mùi khó chịu... thì rất có thể đó là dấu hiệu của bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu.
c. Đau hoặc chảy máu sau khi quan hệ tình dục
Có thể chảy máu sau khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, nếu cảm giác đau và chảy máu sau khi quan hệ xảy ra thường xuyên thì đó có thể là một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn ở cơ quan sinh sản.
d. Chu kỳ kinh nguyệt bất thường
Chu kỳ kinh nguyệt của không được bình thường: bị trễ kinh, kinh nguyệt kéo dài hoặc máu kinh nguyệt có màu đen sẫm...
e. Đau vùng xương chậu
Cùng với xuất huyết bất thường ở âm đạo, các bác sĩ u bướu cho biết đau vùng chậu là một trong những dấu hiệu khả nghi nhất của ung thư cổ tử cung.
4. Phòng ngừa ung thư cổ tử cung
a. Tiêm phòng vắc-xin HPV
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi cần tiêm đủ 3 mũi vắc xin ngừa HPV trong vòng 6 tháng đến 1 năm.
b. Chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, vận động hợp lý
Ăn uống theo chế độ dinh dưỡng khoa học. Đồng thời có một chế độ nghỉ ngơi, vận động thể dục, thể thao hợp lý cũng sẽ góp phần phòng tránh ung thư. Nghiên cứu cho thấy stress là một trong những nguyên nhân khiến mầm bệnh hình thành và phát triển nhanh hơn.
c. Không lạm dụng thuốc tránh thai
Việc sử dụng thường xuyên thuốc tránh thai sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn, trong đó bao gồm việc gia tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
d. Giữ vệ sinh âm đạo sạch sẽ ngăn ngừa ung thư cổ tử cung
Viêm nhiễm phụ khoa nếu không chữa trị trong thời gian dài sẽ dẫn đến ung thư cổ tử cung.
Tuyệt đối không dùng vòi sen hay thụt rửa không đúng cách
Không mặc quần lót quá chật, trong thời gian hành kinh nên cẩn trọng hơn trong vấn đề vệ sinh. Tuyệt đối không quan hệ tình dục khi đang có kinh nguyệt.
Khám phụ khoa khi âm đạo có những triệu chứng bất thường.
e. Sàng lọc ung thư cổ tử cung
Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo, cho dù bạn đã tiêm vaccine HPV thì vẫn cần sàng lọc phát hiện tổn thương tiền ung thư và ung thư giai đoạn sớm, nếu không may bị bệnh
5. Tổng kết
Một trong những Ung thư hàng đầu thường gặp của phụ nữ trong những thập niên trước là UNG THƯ CỔ TỬ CUNG. Tuy nhiên, nhờ vào 2 chương trình Quốc gia: TẦM SOÁT VÀ CHÍCH VACCIN ngừa virus HPV mà căn bệnh quái ác này đã “ rớt hạng” xuống hàng thứ 7 với tỉ lệ mắc cũng như tử vong giảm 75% ở các nước đang phát triển và giảm 84% ở các nước phát triển.
Nguồn: BV Nguyễn Tri Phương