Viêm da cơ địa hay chàm thể tạng là tình trạng viêm da mạn tính đặc trưng bởi mảng hồng ban mụn nước rất ngứa, có xu hướng tiến triển từng đợt và mạn tính gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh sinh có vai trò của yếu tố cơ địa và môi trường.
Bệnh thường gặp ở trẻ em. Tuổi khởi phát thường từ 2 tháng đến 1 tuổi (60%). Rất hiếm khi bệnh khởi phát ở lứa tuổi trưởng thành.
Bệnh có thể gặp ở cả 2 giới với tần suất tương đương.
Cùng với hen suyễn và viêm mũi dị ứng thành lập nên bộ ba bệnh dị ứng “atopy”.
NGUYÊN NHÂN
1. Yếu tố di truyền
Trong một nghiên cứu loạt ca, 60% bố mẹ mắc viêm da cơ địa có con mắc bệnh. Tỷ lệ con mắc bệnh lên đến 81% khi cả bố mẹ mắc bệnh.
2. Yếu tố cơ địa
Hàng rào da bẩm sinh của bệnh nhân kém bền vững.
Miễn dịch thể dịch trở nên quá mẫn cảm.
3. Yếu tố môi trường
Đóng vai trò như yếu tố khởi phát hoặc dị nguyên, bao gồm:
- Dị nguyên không khí: phấn hoa, mạt nhà, nấm mốc, lông thú…
- Thực phẩm: trứng, sữa, đậu phộng,… chủ yếu gặp ở trẻ em với niêm mạc ruột chưa phát triển đầy đủ.
- Nhiễm trùng: siêu kháng nguyên tụ cầu vàng có vai trò quan trọng trong bệnh sinh, liên cầu nhóm A, vi nấm Candida.
- Tiếp xúc: hóa chất tẩy rửa, mỹ phẩm, thuốc bôi, chất liệu vải (đặc biệt là len), lông thú,…
- Thời tiết lạnh khô.
- Stress tâm lý có thể khiến bệnh nặng hơn.
TRIỆU CHỨNG
Sang thương da điển hình xuất hiện theo thứ tự: hồng ban không tẩm nhuận, giới hạn không rõ ràng, hơi phù nề, rất ngứa => mụn nước nông nền hồng ban => mụn nước vỡ, tiết dịch, đóng mài (hình ảnh “giếng chàm”) => lên da non đỏ hồng => tróc vảy kéo dài vài tuần => Lichen hóa với dày da, hằn cổ trâu và sậm màu (mạn tính).
Ngứa là triệu chứng hằng định có ý nghĩa chẩn đoán. Nền da rất khô cũng là gợi ý chẩn đoán có giá trị.
Vị trí phân bố đối xứng, tập trung ở nếp gấp (khuỷu, khoeo, cổ), mặt, mặt duỗi các chi hay gặp ở trẻ em. Không bao giờ ảnh hưởng niêm mạc.
Lưu ý: Sang thương có thể không còn điển hình do bệnh nhân cào gãi, bội nhiễm vi khuẩn hoặc tự ý bôi thuốc trước đó.
Một số triệu chứng khác có thể đi kèm bệnh: khô da, quầng sậm màu quanh mắt, nếp da mi dưới mắt, dày sừng nang lông, đục bao trước thủy tinh thể,…
Tiền sử dị ứng, tuổi khởi phát, bệnh đi kèm như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, da vảy cá,… và tiền căn gia đình cũng có giá trị chẩn đoán.
Biến chứng của bệnh thường gặp nhất là nhiễm trùng da, do vi khuẩn, virus, nấm,…
Ngoài ra viêm da cơ địa gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống nhiều mức độ. Tổn thương viêm da bao phủ > 50% diện tích da làm tăng khả năng chậm phát triển thể lực ở trẻ em.
Đây là bệnh lý được chẩn đoán chủ yếu bằng hỏi bệnh sử, tiền căn và thăm khám. Trường hợp khó chẩn đoán cần đến sự hỗ trợ từ xét nghiệm và giải phẫu bệnh để phân biệt với những bệnh lý khác.
Những bệnh lý khác cần phân biệt với viêm da cơ địa:
- Nhiễm trùng da: vi khuẩn, nấm, virus…
- Viêm da tiếp xúc
- Bệnh ghẻ ngứa do ký sinh trùng cái ghẻ
- U mô lympho ở da
- Vảy nến
- Dị ứng thuốc…
HƯỚNG ĐIỀU TRỊ
Điều trị đầu tay là thuốc thoa ngoài da theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Dưỡng ẩm da thường xuyên làm tăng sức chống chịu của làn da.
Tránh các yếu tố thúc đẩy bệnh nếu được:
- Tránh thức ăn dễ dị ứng ở trẻ nhỏ: trứng, đậu phộng, sữa bò nguyên chất,…
- Tránh dùng quần áo, chăn, trải giường với chất liệu thô ráp như len.
- Tránh trưng bày nhiều hoa, nuôi thú cưng nếu trẻ bị dị ứng.
- Dùng sữa tắm dịu nhẹ không chất tẩy rửa mạnh và hương liệu.
Khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán, điều trị và tư vấn để hiểu đúng về bệnh.
Nguồn: Phòng khám đa khoa Nguyễn Thái Sơn