Hầu hết các trường hợp mắc bệnh tại Việt Nam là do chó dại cắn. Khi đã có biểu hiện của cơn dại thì bệnh nhân gần như sẽ tử vong.
>>>Hướng dẫn xử lý vết thương chó mèo cắn<<<
Bệnh dại là bệnh gây ra bởi vi rút dại. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua dịch tiết, thường là nước bọt bị nhiễm vi-rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với vi-rút dại qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc cấy ghép mô/cơ quan bị nhiễm vi-rút dại.
Vì sao bệnh dại nguy hiểm?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh dại là nguyên nhân gây khoảng hơn 70 ca tử vong ở Việt Nam mỗi năm, hầu hết các trường hợp bệnh dại ở Việt Nam do chó dại cắn. Khi đã lên cơn dại, động vật và người đều có tỷ lệ tử vong gần như là 100%.
Hiện tại không có cách điều trị hiệu quả bệnh sau khi các dấu hiệu của cơn dại xuất hiện. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị phơi nhiễm.
Bệnh dại lây truyền như thế nào?
Vi-rút dại xâm nhập vào hệ thần kinh của động vật có vú. Nó chủ yếu được lây truyền từ nước bọt của các loài động vật bị dại sang người qua vết cắn hoặc qua vết trầy xước trên cơ thể con người. Bệnh dại cũng có thể lây truyền sang người khi động vật bị dại liếm vào vết thương hoặc tiếp xúc vào những chỗ da bị trầy xước, hoặc lớp niêm mạc miệng, mũi của người.
Theo Cục Y tế dự phòng, 96% các trường hợp gây bệnh dại ở người tại Đông Nam Á là do chó cắn. Tuy nhiên cũng có một số báo cáo về bệnh dại ở người là do vết cắn của mèo, cầy, chó rừng, cáo, chó sói và các loại động vật ăn thịt khác.
Những người giết mổ chuyên nghiệp có thể có nguy cơ bị nhiễm bệnh khi giết động vật bị dại và xử lý phần não hoặc các bộ phận bị nhiễm vi rút khác. Tuy nhiên không có trường hợp nào lây bệnh trên người do ăn thịt đã nấu chín.
Việc lây truyền bệnh dại từ người sang người thông qua việc cấy ghép giác mạc hoặc các nội tạng khác là tương đối hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra. Do vậy, giác mạc hoặc các bộ phận cơ thể con người không được lây từ bệnh nhân chết do viêm não hoăc bất kỳ bệnh thần kinh nào khác mà chưa được chẩn đoán rõ ràng.
Mặc dù bệnh nhân mắc bệnh dại rất hiếm khi cắn người khác, tuy nhiên những người chăm sóc bênh nhân cũng nên thận trọng và cảnh giác khi chăm sóc bệnh nhân bị dại, đặc biệt tránh tiếp xúc với nước bọt của bệnh nhân bị dại.
Bệnh dại phát triển trong cơ thể con người ra sao?
Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, vi-rút dại phát triển từ lớp trong cùng của mô dưới da hoặc từ cơ bắp tiến vào các dây thần kinh ngoại biên (là các dây thần kinh nằm ngoài não hoặc tủy sống). Vi rút di chuyển dọc theo các dây thần kinh tới tủy sống và não bộ với tốc độ ước tính khoảng 12-24 mm mỗi ngày.
Người bị nhiễm bệnh có những thay đổi hành vi và có những biểu hiện lâm sàng khi vi rút bắt đầu xâm nhập vào não bộ. Thời gian ủ bệnh có thể từ vài ngày đến vài tháng, và có thể dài tới 1 năm. Có hai thể bệnh lâm sàng của bệnh dại là thể điên cuồng và thể dại câm (bại liệt), trong đó thể điên cuồng là phổ biến nhất.
Những dấu hiệu của người bị bệnh dại là gì?
Người mắc bệnh dại có các dấu hiệu và triệu chứng sau đây:
Đau hoặc ngứa ở vết cắn (trên 80% các trường hợp)
Sốt, mệt mỏi, đau đầu kéo dài 2-4 ngày.
Sợ nước (chứng sợ nước)
Không chịu được tiếng ồn, ánh sáng hoặc không khí
Sợ hãi khi thấy cái chết sắp xảy ra
Tức giận, bứt rứt và trầm cảm
Tăng động
Ở giai đoạn sau, chỉ thoáng nhìn thấy hình ảnh nước đã có thể gây co thắt ở cổ và họng
Khi phát bệnh dại, bệnh nhân được điều trị thế nào?
Không có phương pháp điều trị đặc biệt nào một khi đã phát bệnh. Bệnh nhân gần như tử vong sau vài ngày phát bệnh. Chúng ta hầu như không thể làm được gì ngoài việc giữ cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái, giảm đau đớn và lo lắng bồn chồn.
Giữ bệnh nhân trong một căn phòng yên tĩnh với ánh sáng dịu và tránh các tác nhân kích thích (ví dụ như tiếng ồn lớn, không khí lạnh) vì chúng có thể làm tăng nguy cơ co thắt và co giật. Người chăm sóc bệnh nhân cần sử dụng thiết bị phòng hộ để tránh vết cắn hoặc tiếp xúc với nước bọt có chứa vi rút dại.
Bệnh dại không thể được điều trị bằng các biện pháp dân gian?
Đã có nhiều trường hợp tử vong do sử dụng các biện pháp y học cổ truyền, bài thuốc dân gian mà không tiêm ngừa.
Việc duy nhất phải làm khi bị chó mèo cắn, cào đó là đến cơ sở y tể để được tiêm ngừa và xử trí vết thương đúng cách. Đây là biện pháp duy nhất bảo vệ bạn trước bệnh dại.
Tiêm vắc-xin phòng dại có an toàn không?
Có, vắc xin phòng bệnh dại là vắc xin an toàn và hiệu lực bảo vệ cao. Những lo lắng về vắc xin dại gây bệnh dại là không chính xác. Tất cả các loại vắc-xin dại cho người đều đã được bất hoạt cũng như trải qua một loạt các kiểm định về chất lượng như: hiệu lực, độc tính, độ an toàn và vô trùng. Việc tiêm phòng bệnh dại không thể gây bệnh dại.
Những lo lắng, đồn thổi về vắc-xin phòng bệnh dại có thể khiến mất trí nhớ cũng không chính xác. Theo Bộ Y tế, hàng năm trung bình có khoảng 400.000 người đi tiêm phòng sau khi bị chó cắn trong vòng 5 năm gần đây, không có phản ứng phụ nặng sau tiêm nào được ghi nhận.
Nếu bị chó mèo của nhà cắn thì có cần tiêm vắc xin không?
Cần, bạn cần đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm ngừa dù chó mèo cắn bạn vẫn đang được theo dõi tình hình sức khỏe. Ở những nước có tỉ lệ bệnh dại lưu hành phổ biến trên đàn chó, mèo thì cần bắt buộc phải tiến hành điều trị và theo dõi chó/mèo gây ra vết cắn trong vòng 10 ngày.
Nếu con vật vẫn khỏe mạnh trong thời gian theo dõi, thì việc bạn tiêm vắc xin vẫn có ý nghĩa quan trọng. Vắc xin lúc này sẽ giúp bạn dự phòng trước phơi nhiễm, tức là sẽ ngăn ngừa bệnh dại cho người đó nếu bị cắn trong tương lai.