BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG BỊ HẠ ĐƯỜNG HUYẾT NÊN VÀO CẤP CỨU Ở ĐÂU?
>>> Nếu bị hạ đường huyết nhẹ như thấy đói, cồn cào, run chân tay... thì các BN ĐTĐ nên đo ngay đường huyết mao mạch, nếu < 4,0 mmol/L thì chắc chắn đã bị hạ đường huyết. Các BN cần uống nước đường, sữa có đường, nước ngọt hoặc ăn ngay đồ ăn có tinh bột. Khi hết cơn đói thì gọi điện trao đổi với Bác sỹ hoặc thu xếp đi khám lại sớm.
>>> Nếu bị hạ đường huyết nặng với các biểu hiện rối loạn ý thức, lơ mơ, hôn mê... thì người nhà CẦN ĐƯA NGAY VÀO CƠ SỞ Y TẾ GẦN NHẤT, có thể là BV huyện hay trạm y tế. Hãy nói với nhân viên y tế ở đó là BN đang điều trị đái tháo đường và có thể đang bị hôn mê hạ đường huyết nặng. Nếu được truyền Glucose ưu trương (10 – 30%) thì đại đa số BN sẽ tỉnh lại sớm, khi đó hãy đưa lên BV Bạch Mai.
>>> Nếu bị hôn mê do hạ đường huyết kéo dài (có thể trên 6 – 8h) mà không được cấp cứu bằng truyền glucose thì BN có nguy cơ cao bị co giật hoặc chết não. Nguyên nhân là não là cơ quan chỉ sử dụng nguồn năng lượng glucose nên khi glucose máu quá thấp thì nó sẽ bị chết trước các cơ quan khác. Vì vậy với BN bị hạ đường huyết nặng thì thời gian còn quý hơn cả vàng dù giá vàng đang rất cao.
>>> Khi đi cấp cứu, BN ĐTD và người nhà phải mang theo các thuốc hoặc đơn thuốc đang dùng vì đó là cơ sở để chúng tôi biết nguyên nhân gây hạ đường huyết là loại thuốc gì, dự kiến hạ đường huyết sẽ kéo dài bao lâu, và cả các bệnh đi kèm nhất là suy thận... để có hướng cấp cứu phù hợp, và sẽ điều chỉnh lại các phác đồ điều trị khi ra viện để tránh tái phát hạ đường huyết.
Nguồn: TS.BS Nguyễn Quang Bảy - Trưởng Khoa Nội tiết & Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai.